Tổng quan về các dân tộc ở Nghệ An

09 Tháng 6, 2025 | Khám phá

Nghệ An là một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống. Chiếm đại đa số dân cư ở Nghệ An là dân tộc Kinh, phân bố rộng khắp cả tỉnh nhưng tập trung đông nhất là ở vùng đồng bằng và ven biển. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống tập trung ở các huyện miền núi và trung du như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế phong, Quỳ hợp... chiếm một phần tư dân số toàn tỉnh trong đó dân tộc Thái chiếm đa số.
Tổng quan về các dân tộc ở Nghệ An

Dân tộc Kinh

Dân tộc Kinh ở Nghệ An phân bố đều khắp cả tỉnh nhưng tập trung đông nhất là vùng đồng bằng (Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu....) và thành thị (Tp. Vinh, Tx. Thái Hòa, Tx. Cửa Lò...). Là cư dân có nguồn gốc bản địa lâu đời và phát triển từ thời nguyên thuỷ, tổ tiên người Kinh từ rất xa xưa đã định cư ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong đó Nghệ An là một điểm đến.

Tong quan ve cac dan toc o Nghe An

Theo dấu vết của người vượn/người Việt cổ để lại ở di chỉ khảo cổ hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu), cho đến cư dân văn hóa Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), văn hóa Bàu Tró cho thấy người Việt cổ có mặt ở Nghệ An rất sớm, từ thuở bình minh của lịch sử loài người. Trải qua các thời kỳ người Việt ở Nghệ An đến nay đã phát triển đông đúc, sầm uất, hiện đã có trên 1.000 họ, với hơn 11.000 dòng họ. Sự ra đời và phát triển của người Kinh ở Nghệ An đi liền với nền văn minh, văn hóa lâu đời và khá phát triển.

Trong thời kỳ khai hoang mở đất, người Kinh đã đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ để sinh tồn và khai khẩn nên các làng, các ấp sầm uất. Cho đến thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, bằng chính sức lực, trí tuệ, lòng quả cảm của mình, người Nghệ An đã góp phần không nhỏ làm nên sự phồn thịnh của đất nước, của xứ Nghệ hôm nay. Nghệ An vinh dự là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của những người con ưu tú như: Quang Trung (Nguyễn Huệ), Hồ Qúy Ly, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong,….

Nền kinh tế nổi trội nhất của dân tộc Kinh nói chung và người Kinh ở Nghệ An nói riêng là nền nông nghiệp lúa nước. Phát triển nền nông nghiệp lúa nước, để bảo vệ mùa màng, chống lại thiên tai, địch họa, người Kinh đã sớm biết đào mương, đắp đê. Ngoài sản xuất lúa nước, người Kinh còn biết phát triển các nghề khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm các nghề thủ công mỹ nghệ đạt đến trình độ tinh xảo, thành lập được nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ sầm uất, như hiện nay có các làng nghề: làng nồi đất ở Trù sơn (Đô Lương), nghề làm nước mắm ở Quỳnh Lưu, nghề dệt vải ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu),…

Xứ Nghệ nổi tiếng là đất văn vật với bề dày truyền thống văn hóa, văn học cổ đa dạng, phong phú: có văn học cổ (truyện kể, ca dao, tục ngữ,…), có văn học bằng chữ viết với những tác phẩm đồ sộ. Nghệ thuật phát triển sớm và cũng đạt trình độ cao về mọi mặt: ca hát, diễn xướng, hội họa, điêu khắc,… Người Kinh cũng đã sớm sử dụng chữ viết như: chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, là chữ viết chính thống của cả dân tộc Việt Nam. Bên cạnh văn hóa vật chất, thì văn hóa tâm linh của người Kinh cũng rất phong phú và được chú trọng, trong đó người Kinh đặc biệt chú trọng văn hóa thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà, việc thờ cúng được tổ chức thường xuyên vào các ngày giỗ, lễ tết, các dịp tuần tiết trong năm. Ngoài ra, người Kinh cũng tổ chức thờ cúng các vị thần, thánh, thổ công, ông táo, thổ địa,… Tết Nguyên Đán là cái tết lớn nhất trong năm của người Kinh, tuy nhiên, ngoài tết Nguyên Đán, người Kinh còn có tết Trung thu, tết Đoan Ngọ,... mỗi cái tết đều có nghi thức và cách tiến hành riêng, thể hiện sự phong phú trong đời sống văn hóa - tâm linh của người Kinh.

Thiên nhiên khí hậu miền Trung vốn rất khắc nghiệt, nhưng họ kiên trì chịu đựng, đấu tranh sinh tồn và phát triển. Trong đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, xứ Nghệ là cái nôi của những anh hùng yêu nước, cái nôi của cách mạng. Họ một lòng đoàn kết đề cao lòng tự tôn dân tộc, họ sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn,... Những nét tính cách Nghệ nổi trội đó, con người Nghệ An đã góp phần làm nên lịch sử đất nước, xây dựng mảnh đất xứ Nghệ vẻ vang hôm nay.

Những đặc trưng đó của người Nghệ đã tạo nên những nét riêng độc đáo trong văn hóa kiến trúc, đặc biệt là văn hóa nhà ở. Trong cái nền chung văn hóa nhà ở của người Kinh trên cả nước, người Kinh ở Nghệ An cũng đã tạo cho mình bản sắc riêng trong kiến trúc nhà ở phù hợp với điều kiện, địa hình, tập quán của mình. Nhà ở của người Kinh ở Nghệ An, từ nhà ở truyền thống đến nhà ở hiện đại đều mang phong vị, cốt cách riêng từ các kiểu nhà, kết cấu nhà, cách bài trí ngôi nhà cho đến khuôn viên của ngôi nhà, thể hiện một quá trình đấu tranh sinh tồn với thiên tai, địch họa mà tạo dựng nên.

Dân tộc Thái

Bộ phận dân cư lớn nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt miền núi Nghệ An trong lịch sử cũng như hiện nay là dân tộc Thái. Đây là nhóm Thái có số dân sống tập trung lớn vào loại thứ hai của cả nước (sau Sơn La trên 22 vạn dân).

Tong quan ve cac dan toc o Nghe An

Sử sách ghi chép lại thì người Thái có mặt ở Nghệ An từ rất sớm. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn cho rằng các nhóm tộc Thái di cư vào đất Nghệ An sớm hơn thế kỉ XI-XII, còn theo học giả người Pháp Chamrberlain thì cho rằng người Thái có mặt ở Nghệ An sớm hơn thế kỉ XI. Những giả thuyết đó được các giáo sư, học giả đưa ra dựa vào nhiều câu chuyện thiên di, chuyển cư của người Thái gắn với khai phá nên những cánh đồng, những công trình thủy lợi ở Môn Sơn, Lục Dạ (Con Cuông), Xá Lượng (Tương Dương),…; giả thuyết đó cũng được khẳng định dựa vào việc phân tích các hiện vật tìm được trong các di chỉ khảo cổ học ở vùng miền núi Nghệ An như: Hang Thẩm Ổm (Quỳ Châu), làng Vạc (Quỳ Hợp… Người Thái có mặt ở Nghệ An có thể từ thế kỉ XI, nhưng đợt thiên di lớn nhất và ồ ạt nhất của người Thái phải đến thế kỷ XIII, theo đường sông Cả và chia làm nhiều đợt khác nhau. Con đường di cư của người Thái vào Nghệ An chủ yếu là từ Tây Bắc qua Thanh Hóa vào Phủ Quỳ, rồi từ Phủ Quỳ di cư sang Con Cuông, Tương Dương; những đợt di cư khác thì từ Tây Bắc qua Lào vào cư trú dọc sông Nậm Nơn,…

Người Thái ở Nghệ An thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có ngôn ngữ /chữ viết riêng gần giống với tiếng Phạn (Ấn Độ) với nhiều kí tự khác nhau được gọi là chữ Lai Tay, Lai Pao. Người Thái ở Nghệ An được chia làm nhiều nhóm, ngành khác nhau, gồm 2 ngành: Thái Đen và Thái Trắng nhưng cũng có sách phân chia làm 3 nhóm: Tày Mường, Tày Thanh và Tày Mười. Nguyên nhân của sự phân chia các nhóm, ngành của dân tộc Thái hiện nay vẫn chưa được thống nhất, có sách cho rằng sự phân chia đó dựa vào màu da, có sách lại cho rằng dựa vào đặc điểm quần áo, nhưng cũng có sách lại phân chia dựa vào đặc điểm địa hình cư trú và sinh sống. Ngoài các nhóm được phân chia trên dân tộc Thái còn có các nhóm Tày Khăng, Tày Buộc, Tày Dọ. Các nhóm người Thái không chỉ khác nhau về địa hình cư trú, mật độ dân cư mà còn khác nhau về văn hóa vật thể cũng như phi vật thể, tạo nên sự đa dạng, phong phú và đặc sắc trong bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở Nghệ An.

Di cư vào miền núi Nghệ An từ sớm, người Thái tập trung sinh sống và sản xuất chủ yếu thượng nguồn sông Lam, sông Con, sông Hiếu, sông Giăng,... và các vùng núi thấp, thung lũng, trung du nơi có phù sa các con sông bồi đắp, địa hình bằng phẳng, đồng ruộng rộng lớn,… Nhờ tập quán cư trú đó mà nền sản xuất chủ yếu dân tộc Thái là trồng lúa nước, một số ít bộ phận ở vùng cao thì làm nương rẫy. Ngoài ra, người Thái còn làm các nghề thủ công trong đó nổi tiếng nhất là dệt thổ cẩm; bên cạnh đó trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc gia cầm. So với các dân tộc khác, người Thái được xem là dân tộc có nền kinh tế phát triển vượt bậc, chỉ đứng sau dân tộc Kinh.

Không chỉ có nền kinh tế phát triển, văn hóa của người Thái cũng có bề dày truyền thống và phát triển đặc sắc không kém. Ngoài việc có ngôn ngữ, chữ viết riêng, người Thái còn có văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo. Ngôi nhà cổ truyền của người Thái là nhà sàn với kiến trúc, kết cấu, cách bài trí nhà ở và khuôn viên độc đáo, mang bản sắc riêng. Trang phục truyền thống của cả nam và nữ của người Thái mặc dù có sự khác nhau giữa các nhóm Tày Mường, Tày Thanh hay Tày Mười, nhưng đều thể hiện sự tinh tế, khéo léo và sự tinh xảo trong từng hoa văn trang trí trên trang phục. Các món ăn truyền thống của người Thái cũng rất phong phú, nhiều món ăn trở thành đặc sản khó quên như: cơm lam, thịt bò giàng, nếp cẩm, ốc khe, canh ột, hò mọc,…

Đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của người Thái cũng là một kho tàng quý báu mà rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà sưu tầm,… khai thác và viết không bao giờ cạn. Người Thái có tín ngưỡng đa thần giáo như nhiều dân tộc khác, họ thờ nhiều loại thần như thần rừng, thần sấm, thần lúa,… và nhiều loại ma như: ma nhà, ma rừng,… Trong vòng đời của người Thái bao gồm rất nhiều lễ tục như: Lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cưới,... Trong năm, người Thái cũng có rất nhiều lễ hội đặc sắc như: tết truyền thống, lễ xuống đồng, lễ mừng tiếng sấm đầu năm, lễ cầu mưa,…

Kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Thái cũng rất đặc sắc và phong phú: bộ sử thi đồ sộ Lái Khủn Chưởng, các truyện thơ dài “Lai Lông mương”, “Lai Nộc Yểng”, “Lai ẹt khay”,… hay các làm điệu dân ca như nhuôn, suối, lăm, khắp,… và các loại dụng cụ nhạc như: khèn, sáo, cồng chiêng, trống,…

Dân tộc Thổ

Dân tộc Thổ tập trung chủ yếu tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ.

Tong quan ve cac dan toc o Nghe An

Về nguồn gốc lai lịch, dân tộc Thổ ở Nghệ An do ba bộ phận hợp thành từ khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, đa số trong đó có nguồn gốc là người Kinh từ các huyện đồng bằng miền xuôi do hoàn cảnh xã hội di dân lên đồng hoá với số người Cuối và người Mường từ Thanh Hoá vào. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 còn có tên là Côn Khạ, Xá, Kẹo, Mọn, Cuối căn cứ theo nguồn gốc từng nhóm họ mang tính miệt thị nên đồng bào không chấp nhận. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, được xem như là một nhóm của dân tộc Mường. Từ tháng 12/1973 thể theo đề nghị và căn cứ vào những phong tục tập quán, sinh hoạt… Tộc danh Thổ được Nhà nước chính thức công nhận là một dân tộc riêng biệt nằm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Đời sống của đồng bào dân tộc Thổ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy, trồng lúa nước và chăn nuôi. Công cụ sản xuất điển hình là chiếc “cày nại” (cần nọn) gần giống chiếc cày chìa vôi của dân tộc Kinh. Ngoài ra còn có chiếc gậy chọc lỗ tra hạt “cần nón”, “tắm rói”. Đây là công cụ điển hình của phương thức canh tác nương rẫy. Ngoài chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, người Thổ còn rất giỏi săn bắn và đánh bắt cá. Không những giỏi săn bắn thú rừng, người Thổ còn rất giỏi đánh bắt cá trên các ao hồ, sông suối. Nghề đánh bắt cá bằng những dụng cụ đánh bắt đặc trưng khá đa dạng như chài lưới, đăng, xúc... được xem là nghề cổ truyền. Đặc biệt tất cả các dụng cụ dùng trong công việc đánh bắt cá đều tự tay họ làm lấy thể hiện những nét tinh tế trong nghề đan lát của mình.

Ngày trước đồng bào Thổ ở nhà sàn và nhà trệt lợp tranh như người Kinh. Nhà sàn dân tộc Thổ gần giống nhà sàn người Mường. Nay phần lớn đã ở nhà trệt theo kiểu miền xuôi nhưng cách bố trí trong nhà vẫn theo truyền thống dân tộc mình.

Khác với người Kinh, người Mường, hôn nhân trong cộng đồng dân tộc Thổ thường là hôn nhân nội tộc. Chế độ hôn nhân này có thể xem như là một biểu hiện cao nhất về ý thức củng cố cộng đồng trong điều kiện sống xen kẽ với các dân tộc khác. Ngày trước còn nhiều hủ tục như ở rể, cưới vợ lẽ... nay đã bãi bỏ. Hiện tại, một số nhóm họ ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ vẫn còn phong tục “ngủ mái” - một hình thức kết bạn, đi tìm hiểu người yêu. Mang dấu ấn của sự cộng cư nhiều thành phần sắc tộc, người Thổ thờ thần. Hầu như trong tất cả mọi làng người Thổ đều có đền miếu thờ cúng quanh năm các vị thần và thành hoàng làng.

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Thổ khá phong phú, họ thờ các thần như: thần Đông, thần Tây, Cao Sơn (tức thượng đẳng tối kinh), thần Cố (chuyên săn bắn),… Trong những dịp tết, lễ hội,… họ tổ chức tế ở nhà làng và hàng năm tổ chức cúng ma bản một lần vào tháng giêng để cầu mong sự che chở, bình yên, no đủ. Cúng ma bản là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lớn nhất của người Thổ và do già làng làm lễ, trong ngày này, bà con dân bản được nghỉ ngơi, ca hát và nhảy múa.

Về văn học dân gian, người Thổ cũng có những tác phẩm như: Mo Mường, Kể Đáng,… và các điệu hát như: Đu đu điềng điềng, Ên ên -Ạc ạc, hát Thuôm, hát Cuối, hát ghẹo, hát dặm,… với hình thức hát xướng. Tuy nhiên, các tác phẩm này chịu ảnh hưởng khá lớn từ các dân tộc khác như: Thái, Kinh.

Ở Nghệ An, dân tộc Thổ có dân số lớn thứ 3 trong cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, chỉ đứng sau dân tộc Kinh và Thái. Tuy nhiên, do đặc điểm cư trú xen kẽ giữa các dân tộc khác nên bản sắc văn hóa của người Thổ hiện nay chịu ảnh hưởng và bị đồng hóa khá lớn.

Dân tộc Khơ Mú

Ở Nghệ An, người Khơ Mú sinh sống chủ yếu ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, dân số hơn 71.000 người, chiếm khoảng 48,9% dân số Khơ Mú ở nước ta hiện nay.

Tong quan ve cac dan toc o Nghe An

Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương trong “Người Kư Mụ ở Nghệ An” thì người Khơ Mú ở Nghệ An có nguồn gốc từ Lào di cư sang cách đây khoảng 200 năm. Do các tỉnh miền Tây Nghệ An nối liền về địa hình - văn hóa với các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của Lào nên việc di cư của dân cư của hai bên diễn ra khá dễ dàng. Các đợt thiên di của người Khơ Mú sang Nghệ An diễn ra theo nhiều đợt khác nhau, đợt đầu tiên trong cuộc đấu tranh chống lại phong kiến Xiêm La, thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào, người Khơ Mú đã ở lại và sinh sống tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, trong đó tập trung đông nhất tại huyện Kỳ Sơn, sau này còn có nhiều đợt di cư rải rác khác.

Về mặt nhân chủng học, người Khơ Mú thuộc loại hình trung gian giữa nhóm Inđônêđiêng và Nam Á, thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme. Tộc danh Khơ Mú là tên gọi chung thống nhất cả nước mang tính pháp lý từ khi có bảng danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam do Tổng Cục thống kê công bố năm 1979. Trước đây, dân tộc này có nhiều tên gọi khác nhau, đó là các tên tự gọi, tên do các dân tộc khác gọi ở những vùng và những thời kỳ khác nhau. Ở Lào, người Khơ Mú được gọi là bằng các tên như Xá Khao, Khạ, Bit hoặc được gộp chung vào các nhóm tộc người ở rẻo giữa khác được gọi là Lào Thênh, Lào Thơng. Còn ở Thái Lan họ còn được gọi bằng cái tên Kamú, Phu Thênh, Kha Mu, Kham Mu. Ở Nghệ An, người Khơ Mú được người Thái ở đây gọi là Tày Hạy. Như vậy, tính đến nay ở Nghệ An dân tộc Khơ Mú đã có 7 tên gọi qua các thời kỳ lịch sử khác nhau: Cư Mụ, Khơ Mú, Mãng Cẩu, Pu Thênh, Kưm Mụ, Xà, Tày Hạy. Nhưng dù với gọi tên này hay tên khác đi nữa thì ngay từ ban đầu, dân tộc này đã có một ý thức dân tộc rõ ràng, thể hiện tính cách của một dân tộc thống nhất.

Đặc điểm hình dạng của người Khơ Mú là dáng người thấp, da đen, tóc xoăn, đầu dài, mũi to và dô. Đặc điểm hình dạng này gắn liền với truyền thuyết về “nguồn gốc loài người sinh ra từ quả bầu” kể rằng chính tổ tiên người Khơ Mú đã chui từ quả bầu khổng lồ ra trước theo lỗ dùi bằng sắt nung đỏ nên mới có nước da ngăm đen. Tổ tiên người Thái ra sau bằng lỗ dao khoét nên có nước da trắng hơn, nên tục ngữ Thái có câu: “pu tay ọc hu pa, pu xà óc hu chi” (có nghĩa người Thái chui từ quả bầu ra sau theo lỗ khoét của dao, còn người Khơ Mú (Xà) chui từ quả bầu ra trước theo lỗ dùi bằng sắt nung).

Lịch sử đấu tranh của người Khơ Mú còn gắn liền với truyện kể về vị anh hùng huyền thoại có tên là Chương Han là một vị tù trưởng anh hùng, tài giỏi, đã tập hợp và tổ chức được hàng nghìn binh mã, đánh đông dẹp bắc, chinh phục được nhiều vùng rộng lớn. Hình tượng vị anh hùng Chương Han đã trở thành biểu tượng của khát vọng tự do, niềm kiêu hãnh của đồng bào Khơ Mú, đi vào truyện thơ “Tạo Khủn Chương”.

Do đến muộn hơn nên địa bàn cư trú của người Khơ Mú thường là những nơi núi cao, đất dốc, rất khó khăn cho việc trồng trọt, do đó loại hình canh tác duy nhất của người Khơ Mú là nương rẫy. Cây trồng chủ yếu của họ là lúa nương, ngoài ra họ còn trồng thêm các loại hoa màu khác như: ngô, sắn;… Chăn nuôi gia súc gia cầm, nhưng chủ yếu là tự cung tự cấp, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chưa có ý thức phát triển thành chăn nuôi hàng hóa.

Người Khơ Mú còn có các nghề thủ công truyền thống như rèn sắt, làm mộc, đan lát... Tuy không phong phú, song lại có những lĩnh vực rất tinh xảo, trong đó đặc biệt hơn cả là nghề đan lát với các sản phẩm từ đan lát như: gùi, mâm, ghế, giỏ đựng cơm, hộp đựng kim chỉ, chiếc plum để đựng quần áo, cốt, bồ để đựng thóc lúa, các đồ dùng như nống, sàng, sẩy lúa gạo v.v... Đến nay, các nghề thủ công này vẫn được duy trì, phát triển như là vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Khơ Mú.

Người Khơ Mú không có chữ viết riêng như những dân tộc khác, nhưng lại tiếp xúc ngôn ngữ rất nhanh, họ chịu ảnh hưởng và tiếp thu tiếng Thái. Do đó, hiện nay hầu hết người Khơ Mú ở Nghệ An đều thông thạo tiếng Thái, họ dùng ngôn ngữ Thái để giao tiếp với các dân tộc khác. Nền văn hóa dân gian của người Khơ Mú khá phong phú và đặc sắc, họ có các điệu hát đặc trưng như: hát tơm, re ré,… với các nhạc cụ cồng chiêng, sáo đệm, khèn bè, khèn môi, pí tơm, các bộ gõ bằng tre nứa… Kho tàng truyện cổ tích, truyện kể tô tem của họ cũng rất phong phú và độc đáo, trong đó tiêu biểu là truyện thơ “Tạo Khủn Chương”.

Tín ngưỡng, tôn giáo của người Khơ Mú còn rất sơ khai, phức tạp, tuy nhiên lại không chịu ảnh hưởng của các loại tôn giáo khác như: Phật giáo, Công giáo. Họ tin ở đa thần và quan niệm “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có linh hồn và sự linh thiêng nên họ thờ và cúng những vật như cây đa, tảng đá, gốc cây to, con suối.v.v... Người Khơ Mú cũng quan niệm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ có ma, ma thì có con ma ác và con ma lành với nhiều loại ma như: Ma trời, là loại ma to nhất, đáng tôn trọng nhất và cũng đáng sợ nhất, ma đất, ma rẫy, ma rừng, ma tổ tiên v.v... Do quan niệm đó nên vị trí của thầy Mo hết sức quan trọng trong các nghi lễ.

Dân tộc Mông

Đồng bào Mông ở Nghệ An có trên 6.926 hộ/33.716 khẩu, cư trú ở 91 bản, thuộc 28 xã, thị trấn của 3 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; trong đó có 6 xã thuần người Mông. Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam thì người Mông có nguồn gốc từ phía Nam Trung Quốc. Trước đây, họ là một bộ phận của dân tộc Dao ở Trung Quốc, cho đến thế kỷ VII-IX mới phát triển và tách ra thành một dân tộc độc lập. Qua những biến động của lịch sử Trung Quốc, để tránh chế độ phong kiến hà khắc và sự bóc lột tàn độc của bọn chúa đất, từ thời Thái bình Thiên Quốc đến khi Trung Quốc giải phóng (1949), người Mông đã tổ chức nhiều đợt thiên di. Một bộ phận lớn người Mông di chuyển từ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đến phía Tây Bắc Việt Nam và cư trú ổn định, lâu dài ở đây. Tuy nhiên, do lối sống du canh du cư nên một bộ phận người Mông lại tiếp tục di cư từ các tỉnh phía Tây Bắc sang Xiêng Khoảng (Lào), một bộ phận từ Sơn La sang Sầm Nưa (Lào). Và từ các tỉnh này của nước bạn Lào, người Mông lại di cư sang các tỉnh miền Tây Nghệ An, trong đó huyện Kỳ Sơn là huyện tập trung người Mông sớm nhất và đông nhất.

Tong quan ve cac dan toc o Nghe An

Người Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, với nhiều tên gọi khác nhau như: Mèo, Mẹo, Miếu Hạ, Mán trắng. Người Mông ở Nghệ An có hai ngành: Mông trắng và Mông đen, sự phân chia này không phải dựa vào màu da như một số tài liệu đã viết, mà chủ yếu dựa vào trang phục truyền thống của hai ngành này.

Do di cư đến Nghệ An muộn hơn những dân tộc khác nên địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc Mông là những vùng đồi núi cao, có độ dốc lớn. Cư trú ở địa bàn núi cao nên sản xuất chủ yếu của người Mông là làm nương rẫy, trồng các loại cây lương thực như lúa, nếp, ngô,… Trước đây, khi chưa được khai hóa, người Mông trồng thuốc phiện khá nhiều, diện tích cây thuốc phiện được họ canh tác trong rừng sâu gây khó khăn cho việc phá bỏ của các cấp chính quyền. Ngày nay, do được tuyên truyền sâu rộng, nên người Mông đã bỏ dần tập quán này, chuyển đổi dần sang việc trồng rừng mang lại kinh tế cao; Chăn nuôi gia súc gia cầm khá phát triển; Nghề thủ công truyền thống cũng khá phát triển như rèn đúc, làm giấy, mộc, đan lát,…

Tổ chức xã hội của người Mông theo mô hình làng bản. Các gia đình thường sống gần nhau, quây tụ khoảng từ vài ba chục nóc nhà thì lập thành làng. Đứng đầu làng là trưởng làng, người điều hành mọi công việc trong làng, tiếp đó là trưởng họ. Những gia đình cùng dòng họ thường quần tụ, sống gần nhau tạo thành làng, thành bản. Trong đời sống tín ngưỡng người Mông đặc biệt chú trọng lễ cúng ma làng vào tháng giêng hàng năm. Vì quan niệm mọi loại vật đều có linh hồn nên ngoài cúng ma làng đồng bào Mông còn cúng nhiều loại ma như: ma trâu (nhiu dáng), ma nhà (xủa cá), ma cửa (xìa mình), ma lơn (bùa dáng), ma bếp (hú sinh),…

Người Mông có nền văn hóa nghệ thuật khá giàu có, đặc biệt là truyện kể và âm nhạc, nổi bật trong kho tàng truyện kể của đồng bào là tác phẩm “Tiếng khèn của Gia Ba Sử”, “Vừ Lin Thoong và Lỳ Ta Xa”, “Truyện Vừ Lông Pốc”,… Âm nhạc của người Mông cũng khá phát triển với các điệu hát nổi tiếng, đóng dấu như là “thương hiệu” riêng của họ như là: điệu Cử xia, lù tẩu, vàng hủa, xến, xằng lề,....

Văn hóa của người Mông ở Nghệ An hiện nay là sự đan xen giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống được lưu giữ, bảo tồn không chỉ bám rễ trong sinh hoạt văn hóa truyền thống mà còn ảnh hưởng, thâm nhập vào đời sống văn hóa mới, tạo nên sự phong phú, bổ ích cho sinh hoạt văn hóa hiện nay của đồng bào.

Mỗi cộng đồng dân tộc đều có một nền văn hóa khác nhau và chính sự khác nhau đó đã làm nên sự đa dạng cho nền văn hóa Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung. Tuy đa dạng nhưng là một thể thống nhất trong từng sắc thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc, làm phong phú và tạo nên tính đoàn kết cao, là nền tảng để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dân tộc Ơ Đu

Tương Dương là nơi duy nhất ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng có dân tộc Ơ Đu cư trú. Mặc dù là dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và 5 dân tộc thiểu số ở Nghệ An nhưng dân tộc Ơ Đu có lịch sử hình thành và cư trú khá lâu đời.

Tong quan ve cac dan toc o Nghe An

Dân tộc Ơ Đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me, họ có ngôn ngữ, tiếng nói riêng mặc dù hiện nay những nét văn hóa độc đáo đó đang bị đồng hóa, mất dần do đặc thù sống xen kẽ với các dân tộc khác của người Ơ Đu. Họ sống tập trung ở ven sông Nậm Mộ và Nậm Nơn với 3 trung tâm lớn là vùng Xốp Tăm (Tà Kạ và Keng Đu huyện Kỳ Sơn hiện nay), Mường Lâm (Hữu Khuông huyện Tương Dương hiện nay), Mường Mèn (Yên Hòa huyện Tương Dương hiện nay). Ở nơi này, đời sống của người Ơ Đu phát triển khá phồn thịnh với nghề đánh cá, buôn bán dọc các con sông,… Tuy nhiên, do gặp thời kỳ loạn lạc, cùng sự chèn ép của các dân tộc khác di cư ồ ạt sang nên dân tộc Ơ Đu bị dồn vào những nơi hẻo lánh đầu nguồn con suối, hoặc những vùng núi cao, hiểm trở. Thậm chí để an toàn, một bộ phận không nhỏ người Ơ Đu phải thay đổi tên họ, giọng nói, tập quán của dân tộc mình sống đan xen, phụ thuộc vào các dân tộc khác.

Mặc dù là dân tộc ít người nhưng lịch sử hình thành của người Ơ Đu khá lâu đời, bên cạnh đó ý thức về dân tộc của họ vẫn rõ nét nên họ có đời sống văn hóa độc đáo, riêng biệt và đậm đà bản sắc. Tuy nhiên việc nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan ban ngành liên quan, quan tâm. Trình độ canh tác, sản xuất của người Ơ Đu được duy trì cho đến ngày hôm nay, họ sống nửa cày ruộng, nửa làm nương với trình độ kỹ thuật tương đối cao. Ngoài ra, người Ơ Đu còn biết dệt vải, thêu, đan lát và tận dụng lợi thế sống ven sông nên tổ chức buôn bán tấp nập, sầm uất.

Người Ơ Đu chỉ có một họ duy nhất là họ Lò và được chia làm hai chi là Lò Văn và Lò May. Gia đình của người Ơ Đu là gia đình nhỏ phụ quyền, phân định thứ trưởng rất rõ ràng. Tư tưởng phụ quyền trong gia đình của người Ơ Đu được thể hiện trong vài trò của người đàn ông trong gia đình. Họ là chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc, đàn bà không có quyền thừa tự, và chỉ có bổn phận chăm sóc chồng con, không được quyết định những việc trong gia đình từ việc nhỏ đến việc lớn và khi về nhà chồng, người phụ nữ được gọi theo tên chồng và họ chồng. Tuy nhiên, người Ơ Đu có phong tục ở rể trong 3 - 4 năm đầu mới cưới lại thể hiện tư tưởng mẫu hệ là tàn dư trước đây để lại.

Phong tục, tập quán của người Ơ Đu khá phong phú và đặc sắc, trong đó tiêu biểu là phong tục cưới xin và lễ đón tiếng sấm đầu năm. Điều đặc biệt trong hôn nhân của người Ơ Đu là tục ở rể. Sau đám cưới, thường con rể sẽ ở trong nhà vợ khoảng từ 3-4 năm, nếu có tiền Klay Glây (tiền giá đầu của người con gái) nộp cho nhà gái thì chỉ phải ở rể trong 1 năm. Trong thời gian ở rể này người con trai hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhà gái, thậm chí tên họ cũng phải gọi theo tên họ của vợ. Người Ơ Đu tính năm mới bắt đầu từ khi có tiếng sấm đầu tiên nên lễ đón tiếng sấm được tổ chức khá trọng thể.

Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, đồng bào quan niệm con người ta ngoài thể xác còn có phần hồn, phần hồn thường nằm ở chỏm tóc, đỉnh đầu nên đồng bào rất kiêng xoa đầu trẻ con. Xuất phát từ quan niệm đó mà người Ơ Đu cho rằng có rất nhiều loại ma và tổ chức thờ cúng rất nhiều loại ma, đặc biệt là ma nhà và các vị thần là các Then như Then Luông, Then Vi, Then Bắc, Then Na,… Mặc dù các Then này mang yếu tố của dân tộc Thái, nhưng nó cũng thể hiện đời sống tâm linh đa dạng và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con đồng bào Ơ Đu.

0 Bình luận

Loading...